Nông nghiệp Kinh_tế_Việt_Nam_thời_Nam_Bắc_triều

Chế độ ruộng đất

Do hoàn cảnh chiến tranh, cả hai triều đình Mạc và Lê đều có những chế độ ưu đãi cho các võ tướng và binh sĩ để khuyến khích họ chiến đấu[1].

Ruộng đất nhà Mạc gồm có ruộng công, ruộng tư và ruộng chùa.

  • Ruộng công: gồm có các loại:
    • Phân điền: là hình thức ban cấp ruộng đất cho các thành viên trong hoàng tộc.
    • Lộc điền hay binh điền: đối tượng được hưởng chủ yếu là binh lính để khuyến khích họ chiến đấu cho triều đình trong bối cảnh chiến sự liên miên. Lộc điền chủ yếu lấy từ nguồn ruộng công ở các làng xã và ruộng chùa. Ruộng cấp cho binh sĩ thường thuộc loại "nhất đẳng điền".
    • Thế nghiệp điền, tự điền: Là ruộng của những công thần và con cháu họ được hưởng truyền nối sang đời sau. Những ruộng thế nghiệp này được tư nhân hóa và mang bán công khai[2].
    • Quân điền: Nhà Mạc chủ trương phân chia ruộng quân điền đồng đều cho mọi người, không phân biệt hạng dân. Một bộ phận khác trong ruộng công, đất công và đất hoang được kê khai, đo đạc và chia cho các hạng từ tướng, quân, quan, dân tới cả người già yếu, cô quả ở các địa phương được hưởng. Do ưu tiên chính sách binh điền để ban thưởng cho binh lính, ruộng đất dùng làm quân điền không còn nhiều[3].
  • Ruộng tư: Chế độ tư hữu ruộng đất thời Mạc có điều kiện phát triển tự do[4]. Chiến tranh triền miên, triều đình không có khả năng quản lý, vì vậy tình trạng lấn chiếm đất công ngày càng nhiều[5]. Tại các làng mạc thời nhà Mạc đã lập địa bạ. Việc mua bán đất đai tư nhân rất phổ biến và triều đình không đề ra biện pháp hạn chế hay cấm đoán nào[4]. Hiện tượng này một mặt phản ánh hậu quả của chiến tranh khiến hiệu lực quản lý của chính quyền tập trung giảm đi, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự tăng trưởng của quan hệ hàng hóa và tiền tệ trong xã hội và phản ánh sự phát triển của tư hữu và ý thức tư hữu[6].
  • Ruộng chùa: Ruộng chùa thời Mạc tồn tại khá phổ biến. Thời Mạc lại là thời kỳ phục hưng của Phật giáo, do đó ruộng chùa ngày càng nhiều. Trong số ruộng đất thuộc nhà chùa sở hữu có cả ruộng công (quan điền) do những người có ruộng cúng tiến lên chùa. Có nhiều thành viên hoàng tộc và quan lại mang ruộng cúng cho nhà chùa[2].

Nam triều nhà Lê từ khi thành lập trở lại có rất ít thông tin về thực trạng hoạt động nông nghiệp. Các hình thức sở hữu ruộng đất được cho là không có thay đổi so với thời Lê sơ. Qua một số gia phả hay bi ký, các sử gia xác định chính quyền Lê-Trịnh về cơ bản vẫn duy trì chế độ ruộng đất công làng xã, ban cấp lộc cho quan lại và binh lính[7]. Chính quyền Lê-Trịnh mới tạm dùng những biện pháp tình thế để khuyến khích khôi phục nghề nông nhằm phục vụ chiến tranh chứ chưa có điều kiện hoạch định những chính sách lớn có tác dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp lâu dài và bền vững [8].

Kết quả sản xuất nông nghiệp

Thời kỳ nhà Mạc mới nổi, sản xuất nông nghiệp phát triển tốt, đời sống nhân dân được ấm no[9].

Nhà Mạc quan tâm củng cố hệ thống đê điều chống lũ lụt, đào kênh mương dẫn nước tưới tiêu hoặc quai đê lấn biển, khai phá các bãi bồi ven biển. Các đoạn đê Chân Kim, đê Kinh Điền (Hải Phòng) hay đê Hà Nam (Hưng Yên, Quảng Ninh) vẫn được dân gian lưu truyền gọi là "đê nhà Mạc"[10].

Tuy nhiên, giai đoạn phồn thịnh kéo dài không lâu. Chiến tranh Nam Bắc triều bùng nổ ngày càng lớn, nhà Mạc phải huy động nhân tài vật lực vào chiến tranh nên sản xuất nông nghiệp ít được quan tâm[11].

Vùng đất nhà Lê quản lý có nhiều điều bất lợi hơn nhà Mạc để phát triển nông nghiệp: đất đai không phì nhiêu bằng, thường xảy ra thiên tai (động đất, hạn hán, lũ lụt…) ảnh hưởng mùa màng hơn và thường diễn ra chiến sự hơn[12].

Sử sách chỉ lại sự kiện năm 1559, Trịnh Kiểm sai Lê Trọng Nguyên đi khám đo ruộng đất công tư ở Thanh HóaNghệ An để định ngạch thuế. Ngoài một số lần ít ỏi được mùa, nông nghiệp Nam triều khá ảm đạm, có khá nhiều ghi chép về những trận lũ lụt, động đất gây mất mùa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân vào các năm 1557, 1559, 1569, 15477, 1582, 1584, 1586 (5 lần), 1588, 1589, 1592[13]. Hai địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Thanh Hóa và Nghệ An năm 1571, 1572 dân bị đói to, nhiều người phải phiêu dạt khiến triều đình phải sai Phùng Khắc Khoan đi chiêu nạp những người lưu tán về quê[14].

Riêng vùng Quảng NamThuận Hóa từ khi Nguyễn Hoàng trấn nhậm vào hậu kỳ thời Nam Bắc triều, khu vực này ít bị binh hỏa, việc sản xuất tương đối ổn định, đời sống ít bị xáo trộn hơn[15].